Trong hai ngày 24 và 25/3/2015 tại Diễn đàn đối thoại “Mối tương tác giữa bệnh không truyền nhiễm, truyền nhiễm và bệnh liên quan đến môi trường: thách thức và cơ hội cho nghiên cứu và can thiệp tại Việt Nam” do Trường Đại học Y tế công cộng (HSPH), Viện Y tế Công cộng và Nhiệt đới Thụy Sỹ (Swiss TPH) và Quỹ Novartis (Novartis Foundation) tổ chức đã nhấn mạnh, xác định và đặt ưu tiên cho những vấn đề quan trọng của y tế công cộng liên quan đến bệnh truyền nhiễm, bệnh không truyền nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường tại Việt Nam.

Tham dự diễn đàn có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; Ngài Andrej Motyl, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Bích, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng; Giáo sư Nino Künzli, Phó Giám đốc Viện Y tế Công cộng và Nhiệt đới Thụy Sỹ; Tiến sĩ Ann Aerts, Chủ tịch Quỹ Novartis, Ông Philippe de Pougnadoresse, Trưởng Đại diện Novartis tại Việt Nam cùng các chuyên gia về lĩnh vực y tế công cộng trong nước và quốc tế.

 

Ảnh: PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc tại diễn đàn

 

Diễn đàn được tổ chức nhằm lập đánh giá các thách thức về sức khỏe liên quan đến mối tương tác giữa bệnh không truyền nhiễm, truyền nhiễm và môi trường, cũng như lập một kế hoạch ưu tiên cho các bước tiếp theo liên quan đến nghiên cứu, can thiệp và dự phòng các bệnh nói trên tại Việt Nam. Diễn đàn cũng là cơ hội gặp gỡ giữa các bên liên quan để thảo luận, xác định và đặt ưu tiên cho những vấn đề quan trọng của y tế công cộng trong lĩnh vực này. Tại đây các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận ở các phiên toàn thể và các nhóm làm việc song song.

 

Ảnh: Ngài Andrej Motyl, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

 

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Tăng cường nghiên cứu khoa học, phổ biến và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, các tiến bộ khoa học góp phần quan trọng vào bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân là vấn đề ngành y tế quan tâm và chú trọng. Đặc biệt, ngành y tế đặt ưu tiên trong thời gian tới cho những vấn đề quan trọng của y tế công cộng liên quan đến bệnh truyền nhiễm, bệnh không truyền nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường tại Việt Nam bởi hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Bên cạnh đó, các bệnh không truyền nhiễm vẫn có diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh chóng, đang là mối lo của cả hệ thống y tế”.

 

Ảnh: Giáo sư Nino Künzli, Phó Giám đốc Viện Y tế Công cộng và Nhiệt đới Thụy Sỹ chia sẻ tại diễn đàn

 

Diễn đàn diễn ra với nhiều báo cáo tham luận tập trung vào các nội dung chính như gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam; thách thức của bệnh truyền nhiễm; ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đô thị đến các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm; vai trò của khu vực tư nhân trong việc giải quyết gánh nặng bệnh tật kép./.Các báo cáo tập trung vào vấn đề của Việt Nam hiện nay giống như nhiều quốc gia có thu nhập thấp trước đây, trong khi các bệnh truyền nhiễm vẫn đang là thách thức đối với y tế công cộng thì các bệnh không truyền nhiễm đã xuất hiện. Quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh với áp lực về chất lượng môi trường là một trong những nhân tố của quá trình chuyển dịch các yếu tố dịch tễ. Báo cáo về gánh nặng bệnh tật của Việt Nam đã xếp hạng bệnh đột quỵ, nhồi máu cơ tim, ung thư gan và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bốn nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trong tổng số hơn 150.000 ca tử vong mỗi năm. Ô nhiễm không khí môi trường và tại hộ gia đình đứng hàng thức ba trong số các yếu tố gây gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam, sau nguy cơ do chế độ ăn uống và thuốc lá.

Ảnh: PGS.TS Trần Hữu Bích, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng phát biểu tại diễn đàn

Tiến sĩ Ann Aerts, Chủ tịch Quỹ Novartis cho rằng: “Sẽ rất quan trọng cho các tác nhân từ hàn lâm, chính phủ và khối tư nhân cũng như các tổ chức xã hội khác cùng nhau thảo luận những thách thức quan trọng nhất về vấn đề sức khỏe để xác định bước tiếp theo. Tại diễn đàn này Việt Nam đã giới thiệu một cơ hội quan trọng để thảo luận sự tương tác phức tạp giữa bệnh không truyền nhiễm, truyền nhiễm, và bệnh liên quan đến môi trường, và hợp tác để cải thiện sức khỏe của con người Việt Nam.

 

Ảnh: Tiến sĩ Ann Aerts, Chủ tịch Quỹ Novartis đang trình bày tại diễn đàn

GS. Nino Künzli, Phó Giám đốc Viện Y tế Công cộng và Nhiệt đới Thụy Sỹ, chia sẻ: Sức khỏe của người Việt Nam không những phụ thuộc vào quyết định cá nhân hay sự lựa chọn về dinh dưỡng hay cách sống. Cả bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố môi trường. Người dân có ít lựa chọn để phòng chống phơi nhiễm với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và đất hay ô nhiễm nước uống. Những chính sách dựa vào bằng chứng khoa học rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc này cần những quyết sách của chính phủ”.

 

 

 

 

Ảnh: Các đại biểu đang thảo luận tại diễn đàn

 

Kết quả của diễn đàn lần này sẽ được sử dụng cho việc xác định lộ trình hoạt động nghiên cứu và can thiệp tại Việt Nam giai đoạn tiếp theo và định hướng các nghiên cứu tới đây về những vấn đề quan trọng của y tế công cộng trong mối liên quan của bệnh truyền nhiễm, bệnh không truyền nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường tại Việt Nam. “Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu đã được xây dựng từ 6 năm qua giữa Trường Đại học Y tế Công cộng, Viện Y tế Công cộng và Nhiệt đới Thụy Sỹ (Swiss TPH) thông qua việc hỗ trợ xây dựng Trung Tâm nghiên cứu Y tế công cộng và Sinh thái (CENPHER) tại HSPH”. PGS-TS Trần Hữu Bích Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng phát biểu tại diễn đàn.

 

Trong khuôn khổ diễn đàn lần này, Trường Đại học Y tế công cộng, Viện Y tế Công cộng và Nhiệt đới Thụy Sỹ (Swiss TPH), Quỹ Novartis (NF) cũng cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ để có thể tìm các nguồn lực cần thiết để triển các hoạt động nghiên cứu tiếp theo và đảm bảo thành tựu, tính bền vững của các hoạt động nghiên cứu về lĩnh vực Y tế công cộng vì xã hội khỏe mạnh và tương lai bền vững hơn.

(BT)