Ngày 06/03/2015, tại hội trường Nhà khách Bộ Quốc Phòng đã diễn ra Hội thảo “Phát triển nhân lực cho hệ thống thông tin y tế tại Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong  khuôn khổ dự án “Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành y tế công cộng tại Việt Nam, 2011-2014” do Quỹ Rockerfeller và Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) phối hợp thực hiện. Hội thảo có sự tham dự của gần 50 khách mời đến từ các cơ quan, đơn vị quản lý; các trường đại học trong nước và chuyên gia trong lĩnh vực liên quan từ Việt Nam và quốc tế. PGS.TS Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC; PGS.TS Nguyễn Hoàng Phương – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) và PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là chủ tọa tại Hội nghị.

 

Ảnh: PGS.TS Bùi Thị Thu Hà, PGS.TS Nguyễn Hoàng Phương và PGS.TS Đỗ Văn Dũng - chủ tọa Hội nghị

Ảnh: Toàn cảnh hội nghị Phát triển nhân lực cho hệ thống thông tin y tế tại Việt Nam

Qua các bài tham luận được trình bày tại Hội nghị, các đại biểu đã có cái nhìn sâu sắc và đa chiều về thực trạng của hệ thống nhân lực thông tin y tế tại Việt Nam, thực tế nhu cầu về nhân lực và năng lực của các cán bộ đang công tac trong hệ thống. Hội thảo quy tụ sự có mặt của nhiều bên liên quan trong hệ thống thông tin y tế nói riêng và hệ thống nhân lực của ngành y tế nói chung. Tại Hội nghị, đại diện từ phía nhà hoạch định chính sách, các đơn vị đào tạo, đại diện đơn vị sử dụng lao động và các chuyên gia trong ngành đã cùng ngồi lại, thảo luận và phát triển nền móng cho hệ thống thông tin y tế Việt Nam.

Ảnh: PGS.TS Đỗ Văn Dũng trình bày tại Hội thảo

 

Ảnh: Các bài trình bày tại Hội thảo

Hội thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc phát triển hệ thống thông tin y tế (TTYT) đới với sự phát triển chung của toàn ngành. Kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống TTYT giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 3040/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 14/8/2014 đã đưa ra mục tiêu “Đến năn 2020, hệ thống TTYT được cải thiện ở tất cả các tuyến ở tất cả các cấp từ tuyến Trung ương đến tuyến xã/phương và hoạt động có hiệu quả, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác nhu cầu thông tin cho công tác quản lý, điều hành các hoạt động của ngành y tế ở mọi tuyến, mọi lĩnh vực nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030 hệ thống TTYT Việt Nam phát triển thống nhất, đồng bộ theo hướng tin học hóa và đạt được trình độ tiên tiến trong khu vực”. Các diễn giả trình bày tại Hội thảo cũng nêu lên những thuận lợi, khó khăn, hạn chế để đề ra định hướng phát triển trong tương lai gần.

    Bên cạnh các ý kiến về cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đa số các ý kiến, bài trình bày tại Hội thảo đều chú trọng nhấn mạnh tầm trong trọng của việc phát triển mạng lưới nhân lực dựa trên đánh giá năng lực và nhu cầu đào tạo về quản lý thông tin y tế. “Đổi mới không cần bao tỷ đô la mà cần con người” (Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh). Nhiều sinh viên, học viên được đào tạo tại các trường trong khối  y – dược gặp khó khăn khi đi làm, chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác thống kê và báo cáo số liệu y tế tại các cơ sở điều trị và dự phòng.Yếu tố nhân lực vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định đến sự thành công của việc áp dụng CNTT trong ngành y tế bởi đây là yếu tố trực tiếp sử dụng, vận hành các ứng dụng này.

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Chấn thương – Trường ĐHYTCC  trình bày tại hội thảo

Đáp ứng nhu cầu thực tế về nhân lực trong lĩnh vực TTYT, một số trường đại học trong lĩnh vực y – dược tại Việt Nam đã đưa vào chương trình đào tạo các môn học liên quan đến quản lý TTYT hoặc các định hướng TTYT như trường Đại học Y dược Huế, Đại học Y tế công cộng, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh…

Ảnh: Các đại biểu đại diện các đơn vị thảo luận tại Hội thảo

Hội nghị lần này là bước đệm cho các hoạt động phát triển nhân lực cho hệ thống Thông tin y tế nói riêng và cho ngành y tế nói chung; đồng thời là cơ hội để các bên cùng ngồi lại nhìn nhận, đánh giá thực trạng vấn đề một cách rõ ràng và toán diện, từ đó vạch ra chiến lược và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo. Hội thảo cũng mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ giữa các bên hướng tới tăng cường sức khỏe cộng đồng thông qua nâng cao quản lý thông tin, trao đổi và ứng dụng công nghệ thông tin.

 

(TH)